Vinh Quang Trong Thù Hận - Lý Cửu Tuấn

Chương 2: Hà Công Phủ (2)



Ngày 12 tháng 11, buổi biểu diễn mừng kỷ niệm ngày sinh Quốc phụ được tổ chức tại hội trường nhỏ của trường nữ sinh. Các bậc phụ huynh được mời đến chung vui, sau khi hoạt động kết thúc, họ lần lượt rời khỏi trường, còn các học sinh ở lại dọn dẹp hội trường.

Một cô gái đang quét dọn thấy dưới ghế có một mảnh giấy được gấp lại, cô ấy nhặt lên mở ra xem, bên trong là một tấm vé tàu in dòng chữ “Công ty tàu điện Bắc Bình”.

Điều này không có gì đặc biệt, nhưng điều khiến cô gái giật mình là mảnh giấy đó, cô ấy hét lên thất thanh.

Các bạn học xung quanh đều chạy lại hỏi có chuyện gì.

Cô gái gần nhất cầm mảnh giấy, thấy dòng đầu tiên viết: “Biên lai xử phạt vi phạm của Cục cảnh sát Bắc Bình”.

Sau đó, cô ấy tiếp tục xem và đọc lớn: “Người vi phạm: Ninh Nho Lan, địa chỉ vi phạm: nhà số 96, ngõ Thủ Phách, lý do vi phạm: không có giấy phép hành nghề bán…”

Chữ “bán dâm” khiến cô nữ sinh im bặt, vội vã ném mảnh giấy đi như thể bị bỏng.

Mọi người xôn xao, có một cô gái lẩm bẩm: “Ngõ Thủ Phách, Oánh Oánh ở đó mà…”

Bạch Oánh Oánh đang quét dọn, thấy vậy thì đến hỏi xem có chuyện gì.

Khi thấy mảnh giấy trên sàn, cô ấy nhặt lên xem, bỗng đỏ bừng mặt thốt lên: “Đây là giả, đây là hãm hại.”

Các bạn nữ không biết nên đồng tình hay phản ứng thế nào, bầu không khí trở nên cực kỳ lúng túng.

Bạch Oánh Oánh quả đoán đưa ra quyết định, bước đến chỗ hiệu trưởng đang chỉ huy nhân viên tháo dỡ phông màn trên sân khấu.

Cô ấy mời hiệu trưởng đứng ra điều tra để chứng minh sự trong sạch của mình.

Hiệu trưởng là một người phụ nữ độc thân 50 tuổi, sau khi xem mảnh giấy, bà ấy ngạc nhiên há hốc miệng: “Cái này, cái này ở đâu ra?”

Mấy cô học sinh kể lại quá trình phát hiện mảnh giấy.

Hiệu trưởng đi đến hàng ghế đó, không cần phải nhớ lại, các bậc phụ huynh vừa mới rời đi không lâu, bà ấy vẫn nhớ rõ ai ngồi ở hàng ghế nào.

Bạch Oánh Oánh khóc nức nở, không sai, đúng là mẹ cô ấy ngồi ở hàng ghế đó để xem buổi biểu diễn, nhưng…

Cô bạn thân thiết của Bạch Oánh Oánh là Thủy Văn Anh lúng túng, vì mẹ cô ấy cũng ngồi cạnh bà Bạch, nếu nói đây là một vụ hãm hại, vậy chẳng phải nghi ngờ sẽ ụp xuống đầu cô ấy trước sao?

Đồng thời, các bạn học Vương, Chu, Triệu cũng bắt đầu lo lắng, vì phụ huynh của họ cũng ở hàng ghế đó… gần như trong cùng một khoảnh khắc, nhóm nữ sinh này đều nghĩ giống nhau: Làm sao có thể là hãm hại? Giấy phạt của cảnh sát sao dễ làm giả như vậy được?

Sự tự vệ theo bản năng này là tật xấu thâm căn cố đế mà con người không thể khắc phục được.

Hội trường bỗng chốc im lặng một cách kỳ lạ.

Bạch Oánh Oánh nhìn các cô gái vô thức lùi xa khỏi mình, biết rằng nếu cứ tiếp tục như vậy, mình không chỉ bị cô lập mà còn có thể bị mọi người thù ghét, môi cô ấy như sắp bị cắn nát đến nơi, may mà hiệu trưởng kịp thời giải vây: “Đến văn phòng của cô nói chuyện.”

Sau khi ra ngoài, Bạch Oánh Oánh kiên quyết nói đây là một vụ bôi nhọ, có lẽ mảnh giấy xuất hiện dưới ghế của mẹ cô ấy vào thời điểm buổi biểu diễn kết thúc khi mọi người ra về, cô ấy hy vọng hiệu trưởng điều tra xem có ai nhìn thấy tận mắt không.

Hiệu trưởng cảm thấy khó xử, những chuyện như vậy thường chỉ có người trong cuộc cảm thấy bị oan, người ngoài sẽ không chấp nhận cách giải thích vu oan hãm hại.

Một là các phụ huynh không có thù oán gì, hai là các học sinh đều ở độ tuổi ngây thơ, cho dù có chút xung đột nhưng cũng không đến mức nghĩ ra những thủ đoạn độc ác như vậy.

Hơn nữa, thời buổi này có quá nhiều người lâm vào đường cùng vì sinh tồn, không còn lạ lẫm gì cả.

Có lẽ mẹ Bạch Oánh Oánh đã chọn con đường này nhưng không muốn con cái biết nên luôn che giấu, không ngờ lại bị phơi bày theo cách đáng xấu hổ như vậy.

Dù sự thật là thế, nhưng hiệu trưởng không thể nói bộc lộ ý kiến trái ngược trước mặt học sinh mười sáu tuổi này.

Những lời an ủi cũng là nghĩ một đằng nói một nẻo, năm đó ông Bạch qua đời còn đỡ xấu hổ hơn chuyện này, ít nhất khi đó vẫn có thể nói một câu “xin chia buồn”, còn bây giờ thì…

Hiệu trưởng cân nhắc từ ngữ cố khuyên Bạch Oánh Oánh từ bỏ việc điều tra, dù sao thì việc này càng làm lớn chuyện sẽ càng khó giải quyết, cuối cùng chính người trong cuộc sẽ càng khó xử.

Nhưng Bạch Oánh Oánh kiên quyết không bỏ qua, hiệu trưởng không biết phải làm sao, thoái thác nói: “Em về nhà bàn bạc với mẹ trước xem sao?”

Bối cảnh trước vụ án Hà Công Phủ: Thật giả chuyện gái bán dâm

Mỗi ngày trên phố Bắc Bình đều có khẩu hiệu mới được viết lên.

Những dòng chữ lớn màu đỏ “Đả đảo bọn bán n ước”, “Thanh trừng Hán gian” dần dần che phủ khẩu hiệu “Đông Á cùng thịnh vượng” của quân Nhật và tay sai.

Hồ Tiểu Vân không tham gia lễ kỷ niệm ngày sinh Quốc phụ vì gần đây cô ta không thể đến trường, nhà cô ta đã bị Ủy ban trấn áp Hán gian để ý.

Suốt mấy ngày qua nhà cô ta đã trải qua những cuộc điều tra và thẩm vấn đầy kinh hoàng, cứ ngỡ tai họa sẽ giáng xuống nhưng không ngờ mọi chuyện lại xoay chuyển, nhà họ Hồ được phán vô tội rồi được thả tự do.

Hóa ra, ông Yamamoto đã chạy chọt khắp nơi, gán cho nhà bọn họ cái mác “người Nhật phản chiến”.

Nhờ vậy gia đình cô ta mới được thả ra, tài sản suýt chút nữa bị tịch thu vì bị coi là “tài sản của kẻ phản quốc” cũng được giữ lại.

Sau một phen hú vía, niềm vui tăng lên gấp bội. Nhà trai vốn còn giữ thái độ chờ đợi quan sát, thấy họ bình an vô sự thì yên tâm tỏ ý thân thiện ngay.

Đúng lúc đó cụ của chồng sắp cưới bị bệnh, muốn làm đám cưới để giải xui, hai nhà nhanh chóng bắt nhịp với nhau, quyết định tổ chức lễ cưới vào một tháng sau đó.

Sau khi hai nhà bàn bạc xong, thống nhất chọn ngày kỷ niệm ngày sinh Quốc phụ để tổ chức. Mặt mày Hồ Tiểu Vân đầy rạng rỡ, những lo âu căng thẳng trước đó bay biến hoàn toàn.

Cô ta nhìn đồng hồ báo thức, đã đến giờ tan học nhưng cô ta vẫn đến trường, trang điểm thật xinh đẹp, cô ta muốn xin thôi học.

Nói ra cũng trùng hợp, cô ta vừa vào trường thì nhìn thấy Bạch Oánh Oánh, bấy giờ mới nhớ lại vài ngày trước cô ta còn đề phòng Bạch Oánh Oánh sẽ ảnh hưởng đến chuyện hôn nhân của mình.

Giờ nghĩ lại mới thấy thật đúng là lo sợ không đâu, không khỏi vừa buồn cười vừa xấu hổ.

Giờ đây sau cơn mưa trời lại sáng, cô ta sắp lấy được người chồng mình mong muốn, có lý do gì mà không thể làm hòa với người bạn từng thân thiết chứ?

Nghĩ vậy, cô ta định bước tới chào hỏi Bạch Oánh Oánh một cách thoải mái.

Lại gần mới thấy Bạch Oánh Oánh đang tức giận, xúc động đến mức không để ý xung quanh, tay cầm một tờ giấy biên lai, vội vàng chạy ra khỏi cổng trường.

Khi nghe bạn học giải thích đầu đuôi câu chuyện, Hồ Tiểu Vân không khỏi ngạc nhiên – hóa ra mẹ Bạch Oánh Oánh thực sự là gái bán dâm!

Nghĩ đến ngày đó mình chỉ buột miệng nói linh tinh với Mễ Cấn Liên, không ngờ lời nói đùa lại thành sự thật. Cô ta thầm lấy làm lạ: “Không ngờ miệng mình lại như được khai quang vậy! Bà Bạch đúng là gái bán dân thật, vẫn nên tránh xa Bạch Oánh Oánh mới được, thật là mất mặt!”

Bối cảnh trước vụ án Hà Công Phủ: Nhẫn nhịn?

Đài radio phát ra tiếng rè rè vô cùng chói tai, giọng của phát thanh viên bị tiếng nhiễu sóng lấn át.

Kim Tam áp một bên tai vào radio, cố gắng điều chỉnh.

Ông ấy làm tuần cảnh cả đời, thời Bắc Dương thì phục vụ cho quân phiệt, sau đó phục vụ cho Quốc Dân Đảng, khi người Nhật đánh vào thì làm việc cho quân đội Hoàng gia Nhật Bản, bất kể thời thế thay đổi thế nào ông ấy vẫn giữ nguyên vị trí, chỉ để kiếm miếng cơm.

Tuy nhiên lần này bầu không khí hoàn toàn khác, sau khi Nhật đầu hàng, dù tạm thời vẫn được giữ lại nhưng ông ấy hiểu rõ rằng đó là vì phía Trùng Khánh chưa kịp điều đủ người đến đây để duy trì trật tự. Lão Chu ở phòng lưu trữ hồ sơ nói cấp trên đã lấy hết hồ sơ của mọi người đi rồi, trên đó dán chữ “Ngụy” to đùng, rốt cuộc sẽ xử lý đám “cảnh sát ngụy*” này ra sao vẫn còn là ẩn số.

*Hoặc “cảnh sát bù nhìn”, thường được dùng để chỉ các lực lượng cảnh sát do chính quyền bù nhìn hoặc chính quyền tay sai lập ra trong thời kỳ bị chiếm đóng.

Nghe nói đa số cảnh sát ngụy bên Mãn Châu đã bị kết tội Hán gian, nghiêm trọng còn bị xử bắn. Giờ đây cả đội ai nấy đều lo lắng, hễ có thời gian rảnh lại nghe đài phát thanh từ Trùng Khánh, mong rằng lão Tưởng sẽ khoan dung.

Tiếng nhiễu sóng dần yếu đi, một cô gái bước vào cửa.

“Cảnh sát trưởng, tôi muốn báo án.”

Cô gái vội vàng trình bày vụ việc.

Kim Tam chưa cần nghe hết đã hiểu ngay đây chỉ là trò đùa ác ý, hoàn toàn không đủ điều kiện để lập án.

Nếu là trước đây ông ấy đã sớm bực bội đuổi người đó đi, nhưng giờ tình thế khác rồi, không thể đắc tội với bất cứ ai, phải biết cúi đầu mà sống, nếu không người ta lại tố cáo ông ấy thì phiền.

May là cảnh sát lão luyện như ông ấy có cách xử lý mấy vụ “án vặt” này. Đó là nhận mười vụ, mặc kệ chín vụ, cứ nhận báo án, làm biên bản, ghi chép tài liệu, sau đó đưa cho người báo án một tờ phiếu tiếp nhận, bảo về nhà đợi kết quả điều tra. Vài ngày sau nếu người ta đến hỏi thì bảo tài liệu chưa đủ không điều tra ra được gì, hoặc là rút đơn, hoặc là tiếp tục cung cấp bằng chứng hữu hiệu. Cứ kéo dài như vậy, cuối cùng không cần họ tốn nước bọt, người báo án tự thấy mệt mỏi mà từ bỏ.

Kim Tam ngậm điếu thuốc, làm biên bản, tiếp nhận bằng chứng, bỗng dưng “ồ” một tiếng…

Sao lại đưa cả liên trên liên dưới của biên lai phạt cho người bị phạt chứ?

Đừng nói là ở đồn cảnh sát, ngay cả tiệm may khi viết biên lai cũng phải làm hai bản rồi giữ một bản lại làm căn cứ…

Tuy thắc mắc thế, nhưng ông ấy không nói gì thêm, vì ông ấy biết tính người báo án đều như nhau, càng nói nhiều họ càng lằng nhằng.

Lúc này tín hiệu radio rõ ràng hơn nhiều so với hôm trước, giọng phát thanh viên truyền ra rõ ràng, ông ấy vội vàng đuổi người báo án đi.

Bạch Oánh Oánh cầm tờ biên nhận bước ra khỏi đồn cảnh sát, dáng vẻ của cảnh sát già lúc nãy rõ ràng là qua loa cho xong chuyện, Bạch Oánh Oánh khóc không ra nước mắt.

Cô ấy ngước lên nhìn trời, tầng mây dày nặng đè lên đầu che khuất ánh mặt trời, cảm giác tuyệt vọng ùn ùn kéo đến.

Báo án vô dụng, lại không thể làm lớn chuyện này, cô ấy càng nhận thức rõ hơn sự tàn ác của kẻ hại mình, chỉ có thể nhẫn nhịn, chỉ có thể đè nén trong lòng cả đời!

Phải làm sao đây, phải làm sao bây giờ?

Cô ấy không cam lòng chịu thua số phận!

Cô ấy không thể nhẫn nhịn!

Thời gian vẫn còn sớm, cô ấy quay về trường nữ sinh.

Cô ấy muốn hỏi từng bạn học một, có lẽ sẽ có nhân chứng.

Bối cảnh trước vụ án Hà Công Phủ: Tờ giấy bí ẩn

Hội trường đã được dọn dẹp xong, các nữ sinh lần lượt quay về lớp học.

Chỗ ngồi của Bạch Oánh Oánh trống không. Vừa nãy rất nhiều người đã nhìn thấy cô ấy chạy ra khỏi cổng trường, ai nấy đều đoán rằng cô ấy không còn mặt mũi nào để ở lại trường nữa.

Thậm chí đến cặp sách và sách vở cũng không thu dọn mà đã bỏ về.

Nhìn chỗ ngồi trống không đó, Vương Hủy và Mễ Cấn Liên nhìn nhau cười.

Khi vừa ngồi xuống, một tờ giấy trắng rơi ra từ túi sách của Vương Hủy. Cô ta khó hiểu nhặt lên, trên đó viết:

“Con gái của cảnh sát ngụy ở đồn cảnh sát nào đó, dựa vào chức vụ của cha mình, vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng làm việc xấu, dùng quyền thế vào việc riêng, vấy bẩn danh dự của người khác. Nhưng bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình sau lưng, kẻ ác cuối cùng sẽ mất địa vị, hỏng danh dự, cha của kẻ ác sẽ bị cách chức, bị tống vào tù. Đúng là ác giả ác báo, nghiệp quật không chừa một ai.”

Vương Hủy như bị sét đánh, vo tròn tờ giấy lại.

Cô ta hoảng hốt nhìn quanh lớp. Các bạn hoặc đang tụm năm tụm ba bàn tán về mẹ của Bạch Oánh Oánh, hoặc đang sắp xếp bàn học, ai ai cũng bận rộn việc riêng. Vương Hủy như chim sợ cành cong, nhìn ai cũng thấy đáng nghi, cô ta vội kéo Mễ Cấn Liên đang ngồi soi gương ra khỏi lớp.

Mễ Cấn Liên ngạc nhiên, liên tục hỏi có chuyện gì.

Cô ta không nói gì, cứ thế kéo bạn mình ra ngoài.

Vì vội quá, cô ta còn đâm sầm vào một người ở ngay cửa.

Ngẩng đầu lên mới nhận ra đó là Bạch Oánh Oánh, không biết vì sao cô ấy lại quay về, gương mặt đầy uất hận như chuẩn bị tìm ai tính sổ đến nơi.

Thấy vậy Vương Hủy càng hoảng sợ, cúi đầu vội vàng bỏ chạy.

Bạch Oánh Oánh không để ý đến cú va chạm ấy, cô ấy bước thẳng vào lớp. Lớp học vốn ồn ào bỗng im bặt ngay khi cô ấy bước vào.

Mọi người đều tránh ánh mắt của cô ấy, nhưng khi cô ấy quay lưng lại, ai nấy đều lén nhìn trộm.

Cô ấy nên hỏi ai đây? Ánh mắt của cô ấy hướng về phía người bạn thân Thủy Văn Anh, nhưng Thủy Văn Anh lại giả vờ sắp xếp sách vở, tránh ánh mắt cô ấy.

Bạch Oánh Oánh tuyệt vọng đứng thẫn thờ một lúc, sau đó đi về chỗ ngồi của mình.

Khi chạm vào sách vở của mình, cô ấy bỗng khựng lại, nội dung trong tờ giấy trên mặt bàn khiến sắc mặt cô ấy tái nhợt. Bạch Oánh Oánh ngẩng đầu lên nhìn về phía cửa, nhưng đã không còn thấy bóng dáng Vương Hủy và Mễ Cấn Liên vừa va vào cô ấy đâu nữa.

Phía sau hòn non bộ ở phía Tây trường học không có ai qua lại, Mễ Cấn Liên đang đọc tờ giấy thần bí kia, vẻ mặt hoảng hốt: “Sao lại thế này?”

Vương Hủy rầu rĩ nói: “Có lẽ là lúc cậu bỏ biên lai phạt đã bị ai đó nhìn thấy.”

“Không thể nào, tớ không giơ tay ra cũng không cúi người xuống, chỉ lén dùng chổi đẩy vào từ phía sau hàng ghế thứ ba khi đang quét dọn, trừ khi chân ghế có mắt, nếu không làm sao có người thấy được!”

“Nhưng tờ giấy này… rõ ràng đã có người đã nhìn thấy rồi.”

“Tức là không bị nhìn thấy ở hội trường, nếu không người đó phải nghi ngờ tớ. Nhưng cậu nhìn nội dung của bức thư nặc danh này đi, từng câu từng chữ chỉ nhắm vào cậu thôi…” Mễ Cấn Liên phân tích.

Vương Hủy: “Chuyện này…”

Chẳng lẽ vấn đề nằm ở mình? Vương Hủy cố nhớ lại…

Chạng vạng hôm qua sau khi đến đồn cảnh sát, cha cô ta chưa từng rời khỏi văn phòng. Cô ta không tìm được cơ hội xuống tay, đành phải đợi đến khi tan ca hai cha con xuống tầng, lúc ngồi lên xe cô ta mới giả vờ mình để quên cuốn tiểu thuyết ở văn phòng, mượn chìa khóa của cha để quay lại lấy. Cô ta quay lại văn phòng tốn chưa đầy ba phút đã đóng dấu lên tờ biên lai phạt trắng xong.

Cả quá trình chắc chắn không bị ai nhìn thấy.

Mễ Cấn Liên hỏi: “Cho dù khâu đóng dấu không có vấn đề, nhưng trước đó sao cậu lấy được biên lai phạt trắng?”

“Chuyện đó càng không có vấn đề gì cả.” Vương Hủy đáp: “Cảnh sát phụ trách quản lý biên lai ngồi một mình một phòng, nhân lúc ông ấy ra ngoài tớ đã lén xé một tờ, tuyệt đối không thể nào có chuyện bị phát hiện.”

Cô ta nói xong lại vội vàng bổ sung thêm: “Hơn nữa, nếu có ai đó ở đồn cảnh sát nhìn thấy, cùng lắm chỉ biết tớ đã lấy cắp biên lai phạt trắng, mà biên lai này có thể dùng cho nhiều trường hợp, chẳng hạn phạt đánh nhau, hoặc phạt vì ăn trộm vặt… Nhưng cậu nhìn bức thư nặc danh này đi, dường như kẻ rình mò nắm rõ mọi hành động của chúng ta từ đầu đến cuối.”

Nghe vậy Mễ Cấn Liên cũng bắt đầu lo sợ. Buổi sáng chính cô ta là người điền lý do bị phạt lên tờ biên lai phạt trắng ấy.

Sáng nay sau khi Vương Hủy đến trường, buổi biểu diễn đã sắp bắt đầu.

Thời gian gấp gáp nên cô ta không kịp suy nghĩ nhiều, vội giật lấy tờ biên lai phạt trắng từ tay Vương Hủy rồi dựa theo kiểu chữ trên biểu ngữ ở giữa hội trường để viết.

Chẳng lẽ quá trình đó có người nhìn thấy?

Cô ta bắt đầu chột dạ…

Mễ Cấn Liên chợt nhận ra điều gì đó, nói: “Vậy thì có sao đâu? Bắt trộm phải có tang vật, bắt gian phải thấy cả đôi, dù có người nhìn thấy đi chăng nữa, trừ khi người đó ra mặt làm chứng ngay lúc đó, không thì chỉ bằng lời nói suông sao chúng ta phải nhận chứ!”

Vương Hủy ngẩn người rồi vỡ lẽ, thở phào nhẹ nhõm.

Là con gái của một cảnh sát, cô ta biết tầm quan trọng của chứng cứ. Vụ việc xảy ra rồi mới tố cáo, không chỉ không được tính mà còn có thể bị phản tố là bôi nhọ, vu khống!

Cô ta nhìn tờ giấy trong tay, rốt cuộc người bí ẩn viết tờ giấy này có mục đích gì?

Nếu kẻ đó đã biết sự thật, hẳn phải hiểu rằng chuyện này không do một mình cô ta làm, nhưng sao trong từng câu chữ chỉ nhắm vào mỗi cô ta?

Không những vậy, cách làm của người này quá tự phụ, tờ giấy này viết cái gì mà “mất địa vị, hỏng danh dự, cách chức ngồi tù”, nhưng không có chứng cứ thì làm sao đến nỗi ấy.

Không, Vương Hủy bỗng sực nhớ ra – việc này không phải hoàn toàn không có chứng cứ. Tờ giấy phạt trong tay Bạch Oánh Oánh chính là một củ khoai lang bỏng tay!

Thật bực bội, chắc chắn là báo ứng, quả nhiên làm người không thể làm chuyện thất đức, cô ta hối hận đã không còn kịp nữa.

Mễ Cấn Liên hiểu suy nghĩ của cô ta, động viên: “Đừng lo quá, chắc sẽ không có chuyện gì đâu. Có khi Bạch Oánh Oánh vừa ra khỏi cổng trường đã xé vụn tờ giấy phạt ấy rồi. Đó là thứ bẩn thỉu mất mặt, nếu lỡ đánh mất thì chuyện mẹ cô ta là gái ngành sẽ càng lan rộng hơn. Gặp phải chuyện này, đàn bà con gái chỉ biết cắn răng nhẫn nhịn, nếu không càng tô càng đen. Cô ta nói gì mà điều tra vu khống cũng chỉ vì mất mặt nhất thời thôi, sau lại đâu vào đấy ngay.”

Vương Hủy thấy cũng có lý, ai gặp chuyện thế này lại dám công khai chứ.

“Nhưng mà, chuyện mẹ cô ta là thật ư? Có khi nào là Hồ Tiểu Vân nói linh tinh không?” Vương Hủy hỏi.

Mễ Cấn Liên đáp: “Sao lại thế được! Hồ Tiểu Vân với cô ta là bạn thân từ nhỏ, làm sao mà giả được!”

Vương Hủy thở phào nói: “Vậy chắc không có vấn đề gì đâu. Tuy tờ giấy phạt là giả nhưng chuyện bán thân là thật, chắc họ chẳng có mặt mũi nào mà nói ra, á!”

Tiếng hét cuối câu của Vương Hủy làm Mễ Cấn Liên giật mình. Theo ánh mắt Vương Hủy, Mễ Cấn Liên quay đầu lại, chợt hồn như bay khỏi xác, cô ta thấy Bạch Oánh Oánh đang đứng ngay trước hòn non bộ.

Khi thấy Bạch Oánh Oánh khom lưng nhặt cục đá to bằng miệng bát lên, hai người lập tức bỏ chạy.

Bạch Oánh Oánh nhào tới như hổ dữ xuống núi, cô ấy kéo lấy bím tóc Mễ Cấn Liên, đập cục đá vào đầu cô ta, một phát, hai phát… Máu bắn tung tóe.

Nhất thời, tiếng hét chói tai vang lên làm lũ chim trên cây hoảng sợ, tiếng bước chân chạy tới từ khắp các hướng…

Bạch Oánh Oánh giành giật từng giây, liều mạng đập thật mạnh.

Cô ấy vừa đập vừa nói: “Mày nói rất đúng, mày nói đúng lắm, loại chuyện này không thể làm lớn, chỉ có thể nhẫn nhịn. Không có chứng cứ, mày có thể không thừa nhận, bọn tao chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt, không có chỗ kêu oan, vậy thì chỉ còn một cách thôi, giết mày, phải giết mày!”

Bạch Oánh Oánh đã mất lý trí đập đỏ cả mắt, khi bị lao công và giáo viên trong trường ba chân bốn cẳng chạy tới kéo đi, cô ấy vẫn hét: “Giết mày, tao giết mày!”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.